Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ, trong nhiều năm làm báo, ông không có thời gian sáng tạo thơ ca. Tuy nhiên, với Viễn ca, ông đã trở lại. "Viễn ca là chặng đường con người phải đi qua trong hành trình số phận của mình. Trên hành trình đó bắt gặp nhiều phong cảnh, tôi chỉ ghi lại những cảnh đó bằng ngôn từ và cảm xúc", ông nói. Viễn ca là tập thơ thứ 3 của Nguyễn Tiến Thanh sau hai tập Loạn bút hành và Chiều không tên như vết mực giữa đời.
Nhà phê bình văn học Đỗ Anh Vũ cho biết ngay từ những ngày đầu tiếp xúc với thơ Nguyễn Tiến Thanh, mình đã thấy một giọng điệu thơ khác hẳn với các bài thơ cùng thời trên các báo Hoa học trò, Áo trắng... "Anh có những câu thơ ấn tượng bởi có các cặp đối ngẫu song hành trong cùng một dòng thơ, gợi nhiều liên tưởng dư ba... Chất lãng tử du ca là hồn cốt của Tiến Thanh, gọi về cho anh những câu thơ tài hoa, làm người đọc hòa theo không gian và cảm xúc của tác giả", nhà phê bình Đỗ Anh Vũ chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết mình bất ngờ khi Nguyễn Tiến Thanh ra mắt tập thơ Viễn ca. Cả hai cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ thơ từ khi Thanh còn là sinh viên. "Khi đọc Viễn ca, nó làm tôi có 2 bất ngờ. Tưởng Thanh làm quản lý sẽ quên thơ ca, vậy mà một ngày mùa thu, anh lại xuất hiện trở lại trong một tinh thần khác. Một giai đoạn và nhịp điệu khác", ông Thiều nói.
Ông Thiều cũng đánh giá rất cao sức lay động của thơ Nguyễn Tiến Thanh trong Viễn ca. Ông cho biết có nhiều bài thơ lục bát trong tập thơ này khiến mình nghĩ đến hình ảnh cây trầm, lá vẫn vậy, cây vẫn vậy nhưng trong ruột cây làm nên hương trầm tích luỹ. "Vẫn là phong cách đấy, không thay đổi hình thức, vẫn rất truyền thống nhưng sự lãng mạn vẫn như tuổi thanh xuân, sự phiêu lưu vẫn như tuổi thanh xuân nhưng mỗi một ngày nó lại mang thông điệp lớn hơn bởi nó chảy trong dòng chảy tư tưởng… Viễn ca vẫn chứa đựng sự run rẩy của thơ ca song đầy tính triết lý của đời sống này", ông Thiều nói.