Trưng bày gồm 2 phần. Phần thứ nhất là Tượng và linh vật tôn giáo, giới thiệu một số hiện vật tiêu biểu như: tượng thần Shiva, tượng nam thần, nữ thần, tượng thần Ganesha, tượng Phật, tượng Bồ tát Avalokitesvara, Linga - Yoni, kosalinga, đầu thần Shiva, tượng bò thần Nandin… bằng chất liệu vàng, bạc gắn đá quý. "Champa tiếp nhận và chịu ảnh hưởng cả hai tôn giáo lớn là Ấn Độ giáo và Phật giáo. Vì vậy, phổ biến nhất trong di sản Champa là các tượng thần, Phật và linh thú, linh vật của hai tôn giáo này", bà Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết.
Phần thứ hai là Đồ trang sức và vật dụng mang biểu tượng tôn giáo và quyền uy hoàng tộc. Phần này giới thiệu những đồ trang sức và vật dụng mang biểu tượng quyền uy hoàng tộc và tôn giáo. Đó là những khuyên tai, nhẫn, dây chuyền, trâm cài tóc, lược, vòng tay, bao tay, thắt lưng, hộp đựng đồ trang sức, các đồ đội dạng mũ, vương miện, bịt tóc... được trang trí những biểu tượng mang tính tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống của nghệ thuật Champa, đặc biệt là các vị thần Hindu giáo như: thần Brahma, thần Vishnu, thần Shiva, thần Ganesha, bò thần Nandin, chim thần Garuda, rắn thần Naga…
"Đây là những vật dâng cúng cho thần linh hoặc được sử dụng trong hoàng tộc Champa. Những hiện vật này đều được thể hiện rất tinh mỹ với trình độ chế tác kim hoàn kỹ thuật cao, có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc biệt", bà Thu Hoan chia sẻ.
Cũng theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, những trang sức cho tượng thần trong các dịp cúng tế là tài sản của hoàng gia, quý tộc Champa được bí mật chôn giấu với mục đích bảo vệ khỏi mất mát. Những hiện vật này thuộc nhiều niên đại khác nhau. Tài liệu của Henri Parmentier mô tả trong phát hiện của mình vào năm 1903 có kể về bộ trang sức gồm 1 mũ đội, 3 vòng đeo ở tay, ở ngực, ở mắt cá chân, 2 vòng đeo cổ, 2 vòng đeo tai và 2 bông hoa tai được đặt trong một chiếc hũ bằng gốm, chôn giữa tường bao và tháp phụ ở khu C Mỹ Sơn.
Báu vật Champa - dấu ấn thời gian do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Hội Di sản văn hóa VN và nhà sưu tập Đào Danh Đức thực hiện. Điều này, theo bảo tàng, không chỉ để công chúng có cơ hội thưởng lãm các cổ vật để hiểu biết sâu sắc hơn về một giai đoạn của lịch sử văn hóa của Champa, trưng bày này còn góp phần tiếp tục thực hiện đẩy mạnh vai trò của Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng như các bảo tàng công lập trong việc phối hợp, hỗ trợ để các bảo tàng, sưu tập tư nhân có điều kiện phát huy giá trị di sản tới rộng rãi công chúng.
Hồi hương pho tượng lớn, đặc sắc nhất của Champa
Ngày 28.8, Bảo tàng Lịch sử quốc gia chính thức công bố việc hoàn thiện thủ tục bàn giao tượng Nữ thần Durga từ Anh về VN, đưa tượng vào kho an ninh với tiêu chuẩn bảo quản đặc biệt. Bảo tàng cho biết đây là pho tượng đồng lớn nhất, đặc sắc của nghệ thuật Champa được phát hiện cho đến nay, đồng thời là cổ vật quý hiếm, có giá trị văn hóa và mỹ thuật.Trước đó, ngày 24.6.2024, hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia đầu ngành về lịch sử, khảo cổ, văn hóa, nghệ thuật và cổ vật đã xác định đây là tượng Nữ thần Durga 4 tay, có thể khối lớn (cao toàn bộ 191 cm, trong đó, tượng cao 157 cm, nặng 101 kg). Tượng có niên đại thế kỷ 7, tương đối nguyên vẹn. Tượng có nguồn gốc VN, thuộc phong cách nghệ thuật văn hóa Champa. Pho tượng trở về VN nhờ thực thi Công ước của UNESCO 1970 về các biện pháp cấm buôn bán, xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa. Trước đó, Bộ An ninh Nội địa Mỹ phối hợp cảnh sát London (Vương quốc Anh) tịch thu bức tượng từ một cuộc điều tra buôn bán cổ vật bất hợp pháp vào tháng 7.2023. Năm 2023, Đại sứ quán VN tại Anh được ủy quyền để tiếp nhận bức tượng trên từ 2 cơ quan an ninh của Anh và Mỹ. Tượng sau đó được bàn giao cho sứ quán vào tháng 9.2023.