Nguyễn Thanh Sơn - Bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ ở miền Tây Nam bộ

10:40 - 06/09/2024

Có một người con ĐBSCL từ tuổi 20 đã được tham dự lớp huấn luyện chính trị của Nguyễn Ái Quốc tại Quảng Châu (Trung Quốc), trở thành Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Gia Định (giữa 1930 - 3.1931), Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ (3.1931)… Người đó là Nguyễn Thanh Sơn.

Từ 25 - 27.8.1945, người con ấy đã cùng Đảng bộ miền Tây Nam bộ lãnh đạo nhân dân ĐBSCL giành chính quyền ở từng địa phương mà không tốn một giọt máu.
Nguyễn Thanh Sơn - Bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ ở miền Tây Nam bộ

Ông Nguyễn Thanh Sơn (1910 - 1996)

Ảnh: Khải Mông chụp lại

Trong hồi ức Trọn đời theo Bác Hồ (NXB Trẻ, 2005), Nguyễn Thanh Sơn kể lại không những chỉ lo cho các tỉnh miền Tây, ông cùng các đồng chí của mình còn trực tiếp góp sức vào việc giành chính quyền ở Sài Gòn - Chợ Lớn bằng cách giao nhiệm vụ mỗi tỉnh cử hàng trăm chiến sĩ xung kích về Sài Gòn phối hợp.

"Ngày 25.8.1945, tôi cùng anh Trần Văn Giàu dẫn đầu đoàn biểu tình của quần chúng Sài Gòn - Chợ Lớn tuần hành qua các đường phố chính rồi dừng lại trước dinh Xã Tây (nay là trụ sở UBND TP.HCM)", ông Nguyễn Thanh Sơn viết trong hồi ức: "Tại đây, anh Phạm Ngọc Thạch dõng dạc thông báo chánh quyền đã về tay nhân dân. Tiếp đó, anh công bố danh sách Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam bộ (thường gọi tắt là Lâm ủy Nam bộ) gồm 9 người do anh Trần Văn Giàu làm chủ tịch. Tôi là ủy viên của Lâm ủy kiêm Thanh tra chánh trị miền Tây Nam bộ".

Giành được chính quyền đã khó, giữ được chính quyền còn khó hơn. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách ngay sau đó là phải nhanh chóng kiện toàn chính quyền cách mạng cấp tỉnh, mang tính liên hiệp rộng rãi các tầng lớp dân chúng. Ông Nguyễn Thanh Sơn đã cùng Đảng bộ các tỉnh lựa chọn thành phần tiêu biểu đại diện các cấp, các ngành, các đảng phái, tôn giáo trong tỉnh tham gia Ủy ban hành chính lâm thời. Sau đó, từng tỉnh tổ chức nghi lễ trọng thể ra mắt Ủy ban Hành chính trước sự chứng kiến của đông đảo quần chúng. Chỉ trong vòng một tuần lễ, với sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của Đảng bộ 11 tỉnh ĐBSCL, ông đã hoàn thành sứ mạng tổ chức chính quyền cách mạng ở tất cả các tỉnh.

Nguyễn Thanh Sơn - Bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ ở miền Tây Nam bộ

Thẻ bài cấp tốc do Quân ủy hội cấp cho ông Nguyễn Thanh Sơn (1946)

Ảnh: Khải Mông chụp lại

Trong hồi ức ông kể lại:

"Có một sự kiện đáng nhớ là tôi quyết định thả toàn bộ tù nhân khám Cần Thơ ngay sau khi thành lập chánh quyền mới. Trước quần chúng tập trung đông đủ ngay tại khám Cần Thơ, tôi tuyên bố:

- Thi hành chính sách nhân đạo của Mặt trận Việt Minh và chánh quyền cách mạng, các tù nhân được trả lại tự do hãy về nhà đoàn tụ với gia đình, sinh sống, làm ăn lương thiện theo đạo nghĩa làm người. Nếu trở lại con đường hư hỏng thì lần thứ nhất, Tòa án nhân dân xã sở tại cảnh cáo, tái phạm lần thứ hai, Tòa án nhân dân xã sở tại được quyền xử tử hình và thi hành án ngay tại chỗ.

Chánh Tòa án chánh quyền cũ ở Cần Thơ là Trần Văn Liễu trước đó có can ngăn tôi, sợ không giữ được trật tự xã hội. Tôi có mời ông ta dự buổi thả tù nhân. Một thời gian sau gặp tôi, ông nói:

- Cách mạng thiệt là phi thường. Mấy tháng nay nhà nhà không cần đóng cửa, ngoài đường không trộm cắp, không cờ bạc, rượu chè, không mại dâm".

Tháng 9.1945, thực dân Pháp trở lại gây hấn ở Nam bộ. Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ra đời. Ông Nguyễn Thanh Sơn kiêm thêm nhiệm vụ Ủy viên Quân sự - Ủy ban Kháng chiến Nam bộ.

Ba tháng sau, trong tình hình mới, Chính phủ thành lập Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam, chia Nam bộ thành ba chiến khu 7, 8, 9. Ban lãnh đạo Ủy ban Kháng chiến miền Nam được bầu gồm các ông: Cao Hồng Lãnh - Chủ tịch; Tôn Đức Thắng - Chủ nhiệm hậu cần; Trần Ngọc Danh - Chủ nhiệm chính trị; Đàm Minh Viễn - Chủ nhiệm tham mưu; Nguyễn Bình làm Khu trưởng Khu 7; Đào Văn Trường làm Khu trưởng Khu 8. Bộ Quốc phòng chỉ định ông Vũ Đức (tức Hoàng Đình Giong) từ Bắc vào làm Khu trưởng Khu 9. Trong khi ông Vũ Đức đang trên đường từ Bắc vào Nam, ông Nguyễn Thanh Sơn làm quyền Khu trưởng Khu 9. Chỉ huy sở Khu 9 đóng ở Long Mỹ (Kiên Giang ngày nay).

Chỉ một thời gian ngắn, trong những ngày đầu cách mạng mới thành công, Xứ ủy viên Nguyễn Thanh Sơn đã trực tiếp phụ trách đủ mọi mặt công tác Đảng, chính quyền, quân sự, công an và Mặt trận của 11 tỉnh miền Tây Nam bộ. Được sự tín nhiệm của nhân dân, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Trà Vinh (1946) và trở thành đại biểu Quốc hội 5 khóa liền (1946 - 1976). Trước những khó khăn của nhân dân Nam bộ khi thực dân Pháp trở lại tái chiếm, ông Nguyễn Thanh Sơn cùng đoàn cán bộ miền Nam đã lên thuyền vượt biển ra Hà Nội báo cáo tình hình và xin chỉ thị của T.Ư Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh. (còn tiếp)

Ông Nguyễn Thanh Sơn (1910 - 1996), tên khai sinh là Nguyễn Văn Tây, quê ấp Trà Ngoa, xã Trà Côn, H.Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ông từng đảm nhiệm Tư lệnh kiêm Chính ủy quân tình nguyện VN tại Campuchia (1950 - 1954); Bí thư Đảng đoàn - Thứ trưởng thứ nhất Bộ Tài chính (1957 - 1975)…

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

THANH TOÁN HÓA ĐƠN SCTV

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Người hùng xí nghiệp - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

Phía sau cái chết - SCTV14

Bàn tay nhân ái III - SCTV9

Cư gia binh đoàn - SCTV9

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...