Bà Ngoan kể, trong làng lúc bấy giờ, nói về ca trù chỉ còn 3 cụ gồm kép đàn Vũ Văn Khoái (sinh năm 1926), ca nương Nguyễn Thị Vượn (sinh năm 1926) và ca nương Nguyễn Thị Khướu (sinh năm 1927) là thành thạo. Địa phương đã mời các chuyên gia về văn nghệ dân gian để thẩm định ca trù Chanh Thôn. Biết tin, 3 nghệ nhân già đã dùng hết sức lực cuối cùng để trình diễn những gì tinh túy nhất của ca trù Chanh Thôn cho chuyên gia thưởng lãm. Ba cụ trải chiếu, mang đàn đáy, phách còn sót lại từ mấy chục năm trước ra gõ và hát cho mọi người cùng thưởng thức. Sau đó các chuyên gia về âm nhạc đã hết lời khen ngợi và khuyên địa phương hãy ra sức bảo tồn làn điệu ca trù Chanh Thôn.
Biết rằng, ca trù là một di sản phi vật thể rất đáng quý của thôn, nếu không biết cách bảo tồn, nhỡ đâu các nghệ nhân cao tuổi qua đời thì sẽ chẳng còn ai truyền dạy nữa. Tuy nhiên, để gìn giữ ca trù không phải chuyện đơn giản. Bà Ngoan đã không quản ngại "đi từng ngõ, gõ từng nhà" vận động lớp trẻ tham gia câu lạc bộ, cho dù lớp học chỉ có thể tổ chức vào lúc các cháu rảnh rỗi hoặc buổi tối cuối tuần. Năm 2008, Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn chính thức được thành lập nhưng chỉ có vài cụ nghệ nhân và bà Ngoan, không khí khá đìu hiu, kinh phí lại không có. Tuy vậy, bà Ngoan biết rằng quỹ thời gian của các cụ không còn nhiều nên càng phải hết sức cố gắng.
Và, để thuyết phục được phụ huynh lẫn các em nhỏ tham gia lớp học ca trù không phải chuyện dễ. Bởi ca trù khó hấp dẫn giới trẻ cũng như phụ huynh sợ ảnh hưởng đến việc học tập trên trường của các em. Song, bà Ngoan không nản chí, nhất là đối với những cháu có giọng hát tiềm năng, bà đến vận động nhiều lần, cam kết, và rồi nhiều gia đình đã "mềm lòng", tin vào bà. Vậy là trong thời gian ngắn, số lượng hội viên câu lạc bộ đã tăng lên hơn 30, trong đó có nhiều cháu nhỏ.
Nghệ nhân nhân dân Vũ Thị Khướu chia sẻ: "Sống gần hết cuộc đời, tôi chẳng dám tin là mình vẫn còn được biểu diễn ca trù, lại chẳng dám tin trong làng có câu lạc bộ, rồi mở lớp truyền dạy ca trù để nối tiếp nghiệp tổ tiên. Tôi đã ở tuổi gần đất xa trời nên sẽ cố gắng hết sức để truyền dạy cho các cháu nhỏ cho dù chẳng có thù lao hay trợ cấp. Tôi tình nguyện làm công việc này cũng đã 16 năm nhưng công lao lớn nhất phải thuộc về bà Ngoan – người đứng ra tổ chức, vận động và đến nay đã có hơn 200 học viên được dạy qua các lớp của câu lạc bộ. Mấy nữa, tôi có về với tổ tiên cũng nhẹ lòng...".
Trong quá trình tổ chức hoạt động của câu lạc bộ, bà Ngoan có nhiều cách làm sáng tạo để giữ nhiệt huyết cho các hội viên, chẳng hạn thu hình các bài ca trù lại để phát trên loa truyền thanh của thôn và bây giờ bà đưa lên YouTube để người dân cùng thưởng thức, lan tỏa. Đồng thời, bà Ngoan còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong thôn để biểu diễn ca trù trong nhiều dịp lễ kỷ niệm như Quốc khánh 2.9, Quốc tế Phụ nữ 8.3, lễ hội làng...
Nỗi trăn trở tuổi xế chiều
Năm nay đã bước sang tuổi 74, mang trong mình bệnh tiểu đường, cao huyết áp, đi lại khó khăn nhưng khi tôi hỏi bao giờ bà định nghỉ, bà khẳng định: "Bao giờ không đi được, không nghe được, không nhìn được thì tôi sẽ nghỉ!".
Sau bao cố gắng và nỗ lực, ca trù Chanh Thôn đã dần gây dựng lại được tiếng tăm trong giới văn nghệ dân gian nước nhà. Cụ thể, có 2 cụ được phong nghệ nhân nhân dân và 5 ca nương, kép đàn được phong nghệ nhân ưu tú. Ngoài ra, ca trù Chanh Thôn trở thành địa chỉ đỏ được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận. Còn trong những lần tham gia liên hoan dân ca dân vũ cấp thành phố hay toàn quốc, ca trù Chanh Thôn đều mang huy chương về, tiêu biểu là tấm huy chương vàng Liên hoan Dân ca dân vũ TP.Hà Nội năm 2010.
Tuy nhiên, bà Ngoan vẫn còn đó rất nhiều nỗi lo, nỗi ưu tư dang dở. Bởi lẽ, nhiều người bận bịu với công việc mưu sinh nên xin rút khỏi câu lạc bộ, một số cháu có năng khiếu lớn lên đi học đại học rồi lấy chồng nơi xa, không tham gia được. Buồn nhất là sự ra đi của cụ Khoái, cụ Vượn do sức nặng thời gian, nay chỉ còn cụ Khướu cũng đã rất yếu, không còn hát được, số lượng thành viên chỉ còn hơn hai chục người. Địa phương cũng chỉ động viên và hỗ trợ được địa điểm tập luyện nên kinh phí hoạt động càng eo hẹp. "Tuy còn nhiều khó khăn nhưng câu lạc bộ quyết tâm làm hết sức để gìn giữ và phát huy giá trị di sản của ca trù Chanh Thôn", bà Ngoan khẳng định.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng câu lạc bộ vẫn đảm bảo 2 buổi diễn quan trọng nhất phục vụ dân làng Chanh Thôn. Một là, ngày giỗ Thành Hoàng làng 11.8 (âm lịch) và đêm 30 tết - trước thời khắc giao thừa (hát tế thánh). Hai sự kiện này gọi là hát ca trù cửa đình và được nhân dân rất ủng hộ, đón nhận. Đó cũng là nguồn động viên lớn lao để những người như bà Ngoan nỗ lực cống hiến.
Hiện nay, Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn có 2 nghệ nhân trẻ là Vũ Thị Ngân và Nguyễn Thị Hà – thuộc lớp kế cận của bà Ngoan, còn lớp thứ 3 cũng có đến vài chục cháu và một số cháu có tiềm năng. Bà Ngoan và cụ Khướu chỉ mong rằng, phụ huynh các em tạo điều kiện, dành chút thời gian để cho con em theo học ca trù. Quý nhà hảo tâm nào có tấm lòng ủng hộ câu lạc bộ thì càng quý giá để câu lạc bộ sắm sửa thêm trang phục, đàn và chi phí đi biểu diễn các nơi.
Bà Ngoan tuy giờ tuổi cao sức yếu nhưng chưa bao giờ chùn bước trước các cơ hội quảng bá ca trù Chanh Thôn, hễ đâu có liên hoan dân ca bà đều chủ động đăng ký cho câu lạc bộ tham gia biểu diễn. Bà Ngoan mong muốn địa phương quan tâm hơn nữa đến các câu lạc bộ để ca trù Chanh Thôn khẳng định được chỗ đứng trong văn nghệ dân gian của nước nhà. "Tôi rất mong muốn tìm được một người trẻ có thể thay tôi làm chủ nhiệm câu lạc bộ trong tương lai. Tôi cũng đã già rồi, chẳng biết ra đi lúc nào… Giữ được văn hóa là giữ được bản sắc dân tộc, là nền tảng tinh thần, vì vậy tôi sẽ cố gắng hết sức đến hơi thở cuối cùng", bà Ngoan bùi ngùi...