Lý giải tên gọi, ông Đỗ Hữu Triết cho biết "kim" là kim loại, "diêu" là gốm, còn "việt" là để thể hiện tính đại diện cho Việt Nam, cho sự ưu việt của loại vật liệu này.
"Việt kim diêu là chất liệu thuần Việt, được hình thành từ sự phối trộn giữa bột đồng với đất sét, cho phép người nghệ sĩ tạo hình tranh, tượng… đầy mới mẻ", ông Triết nói.
Việc pha trộn bột đồng cùng đất sét với tỷ lệ dưới 50% giúp tranh, tượng khi nung sẽ cho ra loại chất liệu nửa gốm nửa kim loại rất bền.
Vì là hỗn hợp chứa kim loại nên nhiệt độ kết khối của Việt kim diêu chỉ ở khoảng 900 độ C. Cùng với độ co rút thấp, đây là loại chất liệu rất thuận tiện cho các nghệ sĩ điêu khắc, mỹ thuật sử dụng để sáng tác.
Đặc biệt, những bức tranh Việt kim diêu khi được tráng men và đem đi nung sẽ có sự hòa tan giữa men và kim loại tạo nên ánh kim hết sức độc đáo và đẹp mắt mà không phải loại vật liệu nào cũng làm được.
Là chuyên gia về pháp lam – một loại chất liệu dùng nhiều trong tu bổ các công trình di tích tại Đại nội Huế, ông Đỗ Hữu Triết đã có thêm bước sáng tạo khi đưa men pháp lam tráng lên những tác phẩm nghệ thuật được làm từ Việt kim diêu.
Qua nhiều lần thử nghiệm, ông Triết đã cho ra đời nhiều tác phẩm tranh Việt kim diêu kết hợp với men pháp lam, tạo nên sự hòa sắc ấn tượng, không thể tìm thấy bất cứ ở đâu.
Thanh Niên xin giới thiệu một số công đoạn sáng tác với Việt kim diêu cùng những tác phẩm đặc sắc mà nghệ nhân Đỗ Hữu Triết đã sáng tạo:
Sau công đoạn chế tác, tranh và tượng sẽ được đem đi nung cùng men pháp lam
ẢNH: HOÀNG SƠN
Vì được làm từ đất sét pha bột đồng nên tượng làm từ Việt kim diêu có ánh kim và khá nặng
ẢNH: HOÀNG SƠN
Tranh Việt kim diêu kết hợp với men pháp lam đang dần trở thành loại hình nghệ thuật mới
ẢNH: HOÀNG SƠN