"Không chỉ là cảm giác tồi tệ. Tôi cực lực phản đối những động thái như vậy và chúng tôi sẽ tìm mọi cách để chống lại chuyện này", ông Kim, 57 tuổi, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với AP tại trang trại của ông ở thành phố Pyeongtaek, ngay phía nam thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
Phản đối việc cấm đoán
Ăn thịt chó là thói quen đã tồn tại trong nhiều thế kỷ ở bán đảo Triều Tiên và từ lâu đã được coi là cách để bồi bổ cơ thể trong những ngày hè nóng bức. Theo AP, việc này không bị cấm, cũng không được hợp pháp hóa một cách rõ ràng ở Hàn Quốc, nhưng ngày càng có nhiều người muốn cấm tiêu thụ thịt chó. Nhận thức của công chúng về quyền động vật cũng như những lo lắng về hình ảnh quốc tế của Hàn Quốc ngày càng gia tăng.
Chiến dịch phản đối ăn thịt chó gần đây đã nhận được cú hích lớn khi đệ nhất phu nhân nước này bày tỏ sự ủng hộ đối với lệnh cấm và hai nghị sĩ đã đệ trình dự luật nhằm xóa sổ hoạt động buôn bán thịt chó.
"Người nước ngoài nghĩ Hàn Quốc là một cường quốc văn hóa. Nhưng văn hóa Hàn Quốc càng nâng cao vị thế quốc tế, thì người nước ngoài càng sốc hơn về việc tiêu thụ thịt chó của chúng ta", Han Jeoung-ae, nhà lập pháp thuộc phe đối lập, người đã đệ trình luật cấm sản xuất và kinh doanh thịt chó vào tháng trước, nói với AP.
Triển vọng thông qua luật cấm thịt chó vẫn còn mơ hồ vì sự phản đối của nông dân, chủ quán ăn và những người khác liên quan đến thị trường này. Các cuộc khảo sát cho thấy cứ ba người Hàn Quốc thì có một người phản đối việc cấm đoán như vậy, mặc dù hầu hết mọi người không còn ăn thịt chó nữa.
Trang trại của ông Kim, một trong những trang trại lớn nhất Hàn Quốc với 7.000 con chó, trông tương đối sạch sẽ nhưng có mùi hôi thối nồng nặc ở một số khu vực. Tất cả những con chó được nhốt trong lồng cao và được cho ăn thức ăn thừa và thịt gà xay. Chúng hiếm khi được thả để ra để vận động và thường được bán để lấy thịt khi được một năm tuổi.
Ông Kim cho biết hai người con của ông, 29 và 31 tuổi, đang cùng ông điều hành trang trại và công việc kinh doanh đang phát triển tương đối tốt. Ông cho biết những con chó được nuôi để lấy thịt khác với thú cưng, quan điểm bị các nhà hoạt động phản đối.
Nhu cầu sụt giảm
Hiện tại rất khó để tìm thấy một quán ăn bán thịt chó ở khu trung tâm nhộn nhịp của thủ đô Seoul, mặc dù nhiều quán như vậy vẫn tồn tại ở các vùng nông thôn.
Nông dân cũng phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng từ cơ quan quản lý cũng như dư luận ngày càng tiêu cực. Họ phàn nàn rằng lực lượng chức năng đã đến gặp họ nhiều lần vì các nhà hoạt động và người dân cáo buộc họ lạm dụng động vật và các hành vi sai trái khác. Ông Kim cho biết hơn 90 đơn khiếu nại như vậy đã được đệ trình chống lại trang trại của ông trong khoảng 4 tháng gần đây.
Son Won Hak, tổng thư ký hiệp hội nông dân nuôi chó lấy thịt, cho biết nhiều trang trại đã phá sản trong những năm gần đây vì giá thịt chó và nhu cầu đều sụt giảm. Ông cho rằng đó là kết quả của các chiến dịch vận động cũng như việc đưa tin không công bằng trên báo chí vốn tập trung vào các trang trại có điều kiện không tốt. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng tiêu thụ thịt chó đã giảm, trong đó nhiều người trẻ tuổi nói không với thịt chó.
"Thành thật mà nói, tôi muốn từ bỏ công việc này vào ngày mai. Chúng tôi không thể tự tin nói với con cái rằng chúng tôi đang nuôi chó... Khi bạn bè gọi cho tôi, họ nói 'Này, bạn vẫn điều hành một trang trại nuôi chó lấy thịt à? Không phải đó là hoạt động bất hợp pháp sao?'", ông Son cho biết.
Tìm kiếm đồng thuận
Vào cuối năm 2021, Hàn Quốc đã thành lập một lực lượng chuyên trách có đại diện từ cả chính quyền và công chúng để xem xét việc cấm thịt chó theo đề xuất của tổng thống khi đó là Moon Jae-in, một người yêu thú cưng. Ủy ban, với thành viên bao gồm nông dân và các nhà hoạt động vì quyền động vật, đã họp hơn 20 lần nhưng không đạt được thỏa thuận nào, có vẻ như là do tranh chấp về vấn đề bồi thường.
Các quan chức nông nghiệp từ chối tiết lộ nội dung thảo luận trong các cuộc họp kín. Họ cho biết chính phủ muốn chấm dứt việc tiêu thụ thịt chó dựa trên sự đồng thuận của công chúng.