Cảnh giác với những bệnh mùa Hè thường gặp ở trẻ em

07:45 - 26/07/2024

Mùa Hè là thời điểm trẻ dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh ngoài da.

Cảnh giác với những bệnh mùa Hè thường gặp ở trẻ em

 

Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tính đến giữa tháng 7/2024, cả nước ghi nhận 35.277 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 4 trường hợp thiệt mạng; số mắc giảm 1,3 lần, tử vong giảm 7 ca so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, số ca mắc đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Cả nước cũng ghi nhận 34.645 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, dù chưa ghi nhận ca tử vong, nhưng số ca mắc tăng gấp 1,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Ðối với một số bệnh dự phòng bằng vaccine, như: sởi, phát ban nghi sởi, bạch hầu, ho gà… từ đầu năm 2024 đến nay cũng đang có diễn biến phức tạp.

Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh chỉ ra một số bệnh lý thường gặp ở trẻ vào mùa Hè:

Viêm não Nhật Bản: Là bệnh do virus gây nên, trung gian truyền bệnh là muỗi Culex, một loại muỗi thường sống ở các vùng có nhiều ao tù và đồng ruộng lúa nước. Ổ chứa virus viêm não Nhật Bản thường là lợn, dơi, chim hoang dã. Bệnh viêm não Nhật Bản thường có tỷ lệ mắc cao vào mùa hè, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng suốt đời và có thể gây thành dịch lớn.

Cảm cúm: Đây là một căn bệnh không nguy hiểm nhưng có thể gây biến chứng viêm đường hô hấp trên hoặc mắc các bệnh mãn tính ở trẻ nhỏ, người cao tuổi.

Cảm nắng, say nắng: Đây là căn bệnh nguy hiểm do nắng nóng. Khi trẻ ở quá lâu ngoài trời nắng, tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy khiến trung tâm điều hoà thân nhiệt của cơ thể bị rối loạn và gây nên tình trạng mất nước. Khi bị say nắng, trẻ thường có dấu hiệu mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu… 

Thân nhiệt của trẻ có thể lên tới 39,5 độ hoặc cao hơn. Các dấu hiệu khác như da nóng, đỏ và khô (không ra mồ hôi), mạnh nhanh… Tình trạng nặng hơn là trẻ hôn mê, rối loạn ý thức. Say nắng có thể dẫn tới tử vong hoặc di chứng thần kinh nặng nề nếu không được điều trị kịp thời.

Các bệnh về tiêu hoá: Một trong những nguyên nhân gây cho trẻ bị các bệnh lý về đường tiêu hoá như ngộ độc thức ăn, tiêu chảy, dẫn tới suy dinh dưỡng… là do dụng cụ ăn uống (bát đũa, cốc nước, bình bú cho trẻ nhỏ…) không được vệ sinh sạch sẽ hoặc tay chân không được sạch. Một số nguyên nhân khác như cách thức bảo quản thực phẩm không đúng (cả trước hay sau khi chế biến), người lớn chủ quan để đồ ăn bên ngoài nhiệt độ thường làm cho chúng bị ôi thiu hoặc lên men. Mùa nắng nóng, ẩm tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và ruồi nhặng gây bệnh và lây lan mầm bệnh nhanh chóng. 

Rubella: Bệnh lây lan nhanh, có thể phát triển thành dịch, nhất là ở những nơi tập trung đông người. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở những nơi như trường học, khu nhà trọ, công ty, khu công nghiệp. Con đường lây truyền qua các hạt nước bọt khi hắt hơi, sổ mũi,… khuếch tán rộng trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.

Các bệnh về hô hấp: Trời nóng, đổ nhiều mồ hôi sau khi hoạt động lâu ở ngoài nắng, trẻ hay có thói quen vào phòng điều hoà công suất mạnh, ngồi trước quạt mát mở tốc độ lớn sẽ dễ gây ra tình trạng khô vùng mũi họng, khô chất nhầy bảo vệ đường hô hấp, thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập. Ngoài ra, cho trẻ uống nước lạnh, tắm nước mát cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng sốc nhiệt và các bệnh lý nặng về đường hô hấp như ho đờm, ho gà, viêm phổi nặng…

Các bệnh về da: Nắng nóng sẽ làm cho tuyến mồ hôi và các chất nhầy hoạt động nhiều để giảm nhiệt và thải độc tố, tạo nên những vùng ẩm ướt ở các vùng da lưng, trán, dưới cổ, kẽ ngón tay, khu vực dưới cánh tay, cổ chân, bẹn… Sự ứ đọng, tích tụ dưới lỗ chân lông của cơ thể kết hợp cùng các loại vi khuẩn, gây ra bệnh nấm ngứa, rôm sảy, mụn nhọt, viêm nhiễm cho da, sốt cao…

Các bệnh truyền nhiễm: Thời điểm giao mùa, có những lúc độ ẩm trong không khí cao, điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh như bệnh tay chân miệng. Đa phần bệnh có diễn biến nhẹ như sốt nhẹ, tiêu chảy, nổi nốt phỏng li ti ở miệng hay mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Hầu hết bệnh tự khỏi, tuy nhiên một số trường hợp bệnh có thể diễn biến nặng, các biến chứng, nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và có thể gây tử vong nhanh chóng. Ngoài ra, trẻ cũng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, thuỷ đậu, sốt xuất huyết… đều có thể để lại di chứng về sau nếu không kịp phát hiện và điều trị sớm.

Một số lưu ý để phòng bệnh cho trẻ trong mùa nắng nóng

Trong mùa nắng nóng, nên cho trẻ ở trong nhà thoáng khí, mát mẻ, tránh để cho trẻ hoạt động vui chơi, thể chất ngoài nắng quá lâu. Nếu cần ra ngoài, cho trẻ đội mũ vành rộng, quần áo sáng màu, chất vải nhẹ nhàng. Nếu đi biển, không cho các em tắm vào thời điểm nắng nóng từ 10-16 giờ. Khi trẻ rơi vào tình trạng say nắng, cần lập tức đưa trẻ vào vùng râm mát, thông thoáng và tìm cách hạ thân nhiệt cho trẻ như chườm mát băng khăn mát, nới lỏng quần áo, bù nước và các dung dịch điện giải bằng đường uống.

Chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ, cho trẻ uống đủ nước, đảm bảo “ăn chín, uống sôi”, nguồn thức ăn phải tươi, sạch, dụng cụ cho trẻ ăn uống phải sạch, bảo quản đồ ăn đúng cách.

Hạn chế để trẻ vui chơi hoặc đi đến những nơi đông người để tránh bị lây nhiễm các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Chủ động cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch.

Giữ vệ sinh sạch sẽ thân thể và môi trường sống của trẻ. Dạy trẻ biết rửa tay bằng xà phòng đúng cách, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

THANH TOÁN HÓA ĐƠN SCTV

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Tình thương của mẹ hổ - SCTV9

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Liên kết trang

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...