Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT cho biết việc đầu tư Trung tâm Quan trắc TN-MT là một trong những giải pháp thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 – 2030 trên địa bàn thành phố.
Trung tâm đi vào hoạt động góp phần nâng cao hoạt động quan trắc, cảnh báo và dự báo môi trường cũng như tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường.
Giám đốc Sở TN-MT cho hay trụ sở trung tâm được đầu tư khang trang, hiện đại, thiết kế với công năng chuyên biệt gồm các phòng chuyên môn phục vụ cho hoạt động quan trắc, phân tích, thí nghiệm, theo dõi việc truyền dữ liệu quan trắc nước thải tự động.
Ông Thắng đề nghị giám đốc trung tâm khẩn trương thực hiện các thủ tục tiếp nhận và đưa trụ sở vào sử dụng, nhằm triển khai kịp thời công tác quan trắc, giám sát, đánh giá, điều tra về TN-MT, công bố thông tin về chất lượng môi trường đến người dân.
Bên cạnh đó, trung tâm sớm triển khai các thủ tục để được cấp giấy phép đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc trong năm 2024.
Từ năm 1993, TP.HCM đưa vào hoạt động hệ thống quan trắc chất lượng không khí do ảnh hưởng của hoạt động giao thông gồm 3 trạm: vòng xoay Hàng Xanh, ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Điện Biên Phủ và vòng xoay Phú Lâm.
Đến nay, hệ thống quan trắc chất lượng không khí gồm 34 vị trí. Đối với quan trắc môi trường nước có 22 vị trí thuộc sông Sài Gòn – Đồng Nai, cùng hàng chục vị trí quan trắc nước kênh rạch, nước biển ven bờ và nước dưới đất. Riêng quan trắc môi trường đất, TP.HCM đang duy trì có 21 vị trí; quản lý mạng quan trắc lún mặt đất thành phố tại 2 điểm.
Còn về quan trắc chất lượng môi trường xung quanh các bãi chôn lấp rác, TP.HCM có 30 vị trí trên nước mặt và 22 vị trí không khí bên ngoài bãi chôn lấp.