Báo cáo nêu bật 8 xu hướng chính trên toàn cầu đang thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực CNTT và tác động của chúng đối với doanh nghiệp và người lao động trong thời gian tới. Bất chấp việc gia tăng mạnh mẽ ứng dụng tự động hóa, tương lai của đổi mới CNTT vẫn sẽ nằm trong tay lực lượng lao động có tay nghề cao.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), CNTT thuộc top 3 lĩnh vực mà doanh nghiệp có ý định tuyển dụng mạnh mẽ nhất trong quý 3/2024. Tuy nhiên, 78% doanh nghiệp CNTT hiện gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân tài có kỹ năng đáp ứng yêu cầu.
Bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Giám đốc Dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp cao miền Bắc, ManpowerGroup Việt Nam, chia sẻ: "Khi các tiến bộ CNTT ngày càng gia tăng, người lao động không chỉ cần bắt nhịp mà thậm chí nắm vai trò tiên phong trong hành trình này. Bên cạnh máy móc và thuật toán, lĩnh vực CNTT còn bao gồm những con người giúp các công nghệ trở nên hữu ích cho tất cả mọi người".
Theo ManpowerGroup, trong năm 2024 sẽ có 8 xu hướng lao động chính ngành CNTT, cụ thể:
AI: mặc dù trí tuệ nhân tạo (AI) và ML (máy học) đang được áp dụng ngày một rộng rãi trong các doanh nghiệp, khoảng cách về kỹ năng lao động vẫn đang gia tăng. Các giám đốc tuyển dụng trên toàn thế giới đã xếp việc "đào tạo người lao động để phát huy AI trong công việc hiện tại" là thách thức lớn nhất, với 78% doanh nghiệp lo ngại rằng họ không thể đào tạo người lao động đủ nhanh để theo kịp sự phát triển của công nghệ.
Công nghệ "trên mây": việc ứng dụng công nghệ đám mây đang được đẩy mạnh nhờ AI và máy học đang thay đổi mạnh mẽ các doanh nghiệp. Các dịch vụ đám mây công cộng trên toàn thế giới dự báo sẽ tăng 19,1% trong năm 2024. Tuy nhiên, đội ngũ nhân tài lành nghề vẫn là yếu tố cần thiết để thúc đẩy sự tăng trưởng này. ManpowerGroup Việt Nam phân tích, một kỹ sư điện toán đám mây tại Việt Nam hiện nay có thể có mức thu nhập mỗi tháng từ 1.800 USD đến 4.000 USD (tương đương từ 45 - 100 triệu đồng).
Kỹ năng mềm: bên cạnh ghi nhận sự thiếu hụt về các kỹ năng chuyên môn của lực lượng lao động ngành CNTT, những tiến bộ công nghệ đang diễn ra nhanh chóng cũng nhấn mạnh vai trò ngày càng lớn của các kỹ năng mềm như khả năng hợp tác, thích nghi, và chịu đựng áp lực.
Bùng nổ sản xuất chip bán dẫn: trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng và bất ổn địa chính trị liên tục diễn ra, các doanh nghiệp chip bán dẫn đang chuyển sang nội địa hóa sản xuất, do đó gia tăng nhu cầu về nhân lực lành nghề. Tính đến 2030, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ cần thêm hơn 1 triệu lao động để đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Trong đó, Việt Nam sẽ cần khoảng 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn để đáp ứng nhu cầu nhân sự của mảng này, mỗi năm tăng 10 - 15%.
Bước nhảy vọt của điện toán lượng tử: dưới tác động của khối lượng dữ liệu khổng lồ, ứng dụng AI và các lo ngại về vấn đề an ninh mạng, lĩnh vực điện toán lượng tử đang chuyển đổi từ nghiên cứu lý thuyết sang ứng dụng thực tế. Tính đến năm 2025, có tới 50% việc làm về điện toán lượng tử trên toàn cầu có thể vẫn bỏ trống. Tại Việt Nam, nguồn cung lao động cho mảng này vô cùng hạn hẹp và hiện có rất ít cơ sở đào tạo trong nước giảng dạy các chương trình về điện toán lượng tử.
Xanh hóa ngành CNTT: khi điện toán tiên tiến liên tục phát triển, ngành CNTT phải đối mặt với những thách thức về phát triển bền vững. Tính đến năm 2027, 80% CIO (giám đốc CNTT cấp cao) sẽ có các chỉ số hiệu suất công việc gắn liền với tính bền vững của bộ phận CNTT. Hầu hết các doanh nghiệp lĩnh vực CNTT trên toàn thế giới (77%) cho biết họ đang cân nhắc hoặc đã tích cực tuyển dụng ứng viên sở hữu kỹ năng xanh.
An ninh mạng: các cuộc tấn công mạng và vi phạm dữ liệu giờ đây là chuyện hết sức phổ biến, đặc biệt dưới ảnh hưởng của các cuộc căng thẳng địa chính trị và các phương thức mạng ngày càng tinh vi. Nhu cầu nhân lực lành nghề vì thế cũng gia tăng khi mà ngành CNTT đang cần thêm 4 triệu nhân tài an ninh mạng để giải quyết các mối đe dọa ngày càng nhiều trên toàn cầu.
Chuyển đổi số lấy con người làm trung tâm: sự phổ cập của công nghệ AI hội thoại đã dẫn đến những thảo luận về chuyển đổi số và tự động hóa, cũng như sự xuất hiện của các vị trí với kỹ năng mới. Những nhà lãnh đạo xác định lấy con người làm trung tâm tỏ ra khá lạc quan khi có đến 82% doanh nghiệp đang đầu tư vào nhân tài mới để làm chủ những tiến bộ nhanh chóng của công nghệ.